Lượt xem: 2113

Ngọn lửa thiêng không bao giờ tắt

Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, nhưng trên đất nước Việt Nam, những dư âm và nỗi đau của nó vẫn còn lắng đọng trong biết bao trái tim của nhiều người. Mỗi năm cứ đến ngày 27-7, các gia đình Việt Nam lại tưởng nhớ, ghi công những thương binh, liệt sĩ - những người con trung hiếu đã chịu nhiều mất mát, hy sinh để bảo vệ bằng được nền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc. Với các gia đình liệt sĩ, đó là dịp để thắp nén hương tưởng niệm cho người thân đã hy sinh trong chiến tranh, còn với nhiều người thương binh, cuộc sống thời bình là một cuộc chiến thầm lặng, đòi hỏi rất nhiều nghị lực để vượt qua các di chứng.

 

    Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Pháp âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn, Nhân dân Nam bộ phải tiếp tục vùng lên cứu nước, rất nhiều người con ưu tú đã ngã xuống hoặc bị thương trên chiến trường miền Nam.


Bác Hồ đặt vòng hoa viếng các anh hùng liệt sỹ - Ảnh tư liệu.

    Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư “Gửi các chiến sĩ Nam bộ và Nam phần Trung bộ” tháng 12-1945, trong thư, Người khẳng định: “Với một nước đã có những người con hy sinh như thế, anh hùng như thế, đã có một khối toàn dân đoàn kết như thế, nước ta nhất định không mất lại một lần nữa. Để bảo vệ Tổ quốc, chúng ta còn phải chiến đấu nhiều. Chỉ có chiến đấu mới vượt được những trở lực, khó khăn, chỉ có chiến đấu mới đưa lại vẻ vang cho Tổ quốc. Các bạn ở tiền tuyến không bao giờ cô độc, vì đã có cả một khối đoàn kết làm hậu thuẫn cho mình. Thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”.

    Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu, nhiều người đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, rất nhiều liệt sĩ ở cả hai miền của đất nước. Nhằm chia sẻ nỗi đau, mất mát của hàng triệu thân nhân liệt sĩ, ngày 07-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi” với lời lẽ đơn giản mà rất chân thành, gây xúc động mạnh mẽ biết bao lòng người: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập và thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho các gia đình liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi”.

    Theo sáng kiến của Hồ Chủ tịch, về việc chọn một ngày trong năm làm “Ngày thương binh”. Một hội nghị quan trọng của các cơ quan Chính phủ cùng các đoàn thể họp tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên quyết định chọn ngày 27-7-1947 làm Ngày thương binh toàn quốc. Và chiều ngày 27-7 năm ấy tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn. Ban tổ chức buổi lễ đã trịnh trọng đọc bức thư của Hồ Chủ tịch gởi Ban Thường trực của Ban Tổ chức Ngày thương binh toàn quốc.


Bác Hồ thăm các thương, bệnh binh - Ảnh tư liệu.

    Ngày 26-7-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Bộ trưởng Thương binh, Cựu binh đặt vấn đề: “Anh em thương binh đã hy sinh một phần xương máu để giữ gìn Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, đã tận trung với nước, tận hiếu với dân. Họ đã làm trọn nhiệm vụ, họ không đòi hỏi gì cả.

    Song đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp như thế nào cho xứng đáng?”. Và Người đề xuất “giúp lâu dài, chứ không phải chỉ giúp trong một thời gian. Không phải giúp bằng cách góp gạo nuôi thương binh” mà bằng phương thức lấy từ quỹ đất công của làng xã, của những người hảo tâm hay khai hoang để cấp cho thương binh và giúp họ sản xuất “như thế thì đồng bào mỗi xã đã được thỏa mãn lòng ước ao báo đáp anh em thương binh; mà anh em thương binh thì được yên ổn về vật chất và vui vẻ về tinh thần và vẫn có dịp tham gia sự hoạt động ích lợi cho xã hội”.

    Ngày 27-7-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cho Bộ trưởng Thương binh, Cựu binh nhờ chuyển một tháng lương ủng hộ, nhắc nhở việc giúp đỡ thương binh “…là một nghĩa vụ của nhân dân đối với những chiến sĩ bị thương, bị bệnh; không nên coi đó là một việc “làm phúc”, đồng thời cũng khuyên anh em thương binh “phải tránh tâm lý “công thần”, coi thường lao động, coi thường kỷ luật…”. Ngày 26-7-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cho Bộ trưởng Thương binh, Cựu binh: “Nhân dịp Ngày thương binh, tôi xin gửi một tháng lương của tôi và 50 cái khăn tay do đồng bào phụ nữ Thái biếu tôi, nhờ cụ chuyển cho anh, em thương binh với lời chào thân ái của tôi”.

    Từ năm 1955, Đảng và Nhà nước quyết định đổi Ngày thương binh toàn quốc thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ để thể hiện đầy đủ hơn tình cảm của Nhân dân, của Đảng và Nhà nước đối với những người có công với Tổ quốc giang sơn. Và cũng từ đó cứ đến ngày 27-7 hằng năm, đã trở thành ngày kỷ niệm rất thiêng liêng phản ánh ý chí quật cường giành độc lập dân tộc và tự do, cũng như xem ngày đó là ngày ghi lại công ơn to lớn của những người con của đất nước đã vì độc lập và tự do mà hy sinh xương máu, tính mạng của mình.


Thắp nến tri ân

    Từ khi có ngày Ngày Thương binh - Liệt sĩ vào năm 1947 cho đến lúc Bác đi xa, Người đã viết khoảng 30 lần thư nhân kỷ niệm ngày 27-7, gởi cho anh, chị, em thương binh và gia đình liệt sĩ. Theo Người đây là ngày “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái”, “…là ngày kỷ niệm. Mỗi năm đến ngày ấy, thì những người ái quốc Việt Nam cùng tưởng nhớ đến anh, chị, em thương binh, tưởng nhớ đến các gia đình tử sĩ, tưởng nhớ đến những người vô danh anh hùng hoặc đã hy sinh tính mạng, hoặc đã góp phần xương máu trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta”. Người còn nhắc nhở: “Bổn phận chúng ta phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Bác cũng nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân: “Phải chấp hành một cách chu đáo các chính sách của Đảng và Chính phủ đối với anh, em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ”.

    Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, với lòng biết ơn vô hạn, kính cẩn tưởng nhớ các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do, sự thống nhất đất nước. Ngày 27-7 như một ngọn lửa thiêng bền vững không bao giờ tắt trong lòng người dân đất Việt./.

Quốc Hùng



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 60
  • Hôm nay: 5895
  • Trong tuần: 76,602
  • Tất cả: 11,799,922